Looking For Anything Specific?

Header Ads

Những điều cần biết để trở thành nhà văn

Cuốn sách “Để Trở Thành Nhà Văn" của tác giả Thu Giang - Nguyễn Duy Cẩn chỉ gói gọn trong vài chục trang, nhưng truyền đạt vô cùng sâu sắc những vấn đề thiết yếu, cần có đối với một nhà văn chân chính. Sách không dạy bạn về câu từ, ký pháp hay cách xây dựng ý tưởng, cốt truyện ra sao, mà tập trung vào trau dồi phẩm chất của một người cầm bút.



Với bối cảnh ra đời của cuốn sách, giọng văn có phần cổ điển, nhưng vẫn toát lên chất sang trọng và uyên bác của tác giả. Những luận điểm, tư tưởng mà tác giả nếu ra không chỉ có ý nghĩa tân thời mà còn mang giá trị vượt thời gian, rất đáng để những người cầm bút mọi thế hệ học hỏi và suy ngẫm.

Vậy làm thế nào để trở thành nhà văn, trở thành người viết chân chính?

Cuốn sách Để trở thành nhà văn có hai phần là: Những điều cần biết để trở thành nhà văn và Những điều cần biết để trở thành nhà phê bình. Dưới đây là phần trích những tư tưởng, luận điểm, quan điểm chính trong phần một “Những điều cần biết để trở thành nhà văn” của tác giả Thu Giang - Nguyễn Duy Cẩn.

I. Viết những gì đáng viết và phải có những tư tưởng đáng ghi

Bất cứ người nào cũng có thể làm nhà văn được cả miễn là họ có gì muốn nói. Viết ra không phải việc khó, cái khó là phải có những câu chuyện gì đáng kể để kể, những tư tưởng gì đáng ghi để ghi.

Việc khó nhất khi bắt đầu viết văn là phải hết sức thành thực với mình. Những điều mình nói hay viết ra mình phải tin tưởng một cách chân thành. Không có nghệ thuật nói, cũng không có nghệ thuật viết, sự thành công về tài hùng biện hay văn chương chỉ có một nguyên nhân là thành thực với mình một cách hoàn hảo.

II. Để ý những chuyện không hài lòng, khai thác và biến cảm xúc đau khổ, phẫn nộ, bi ai thành cảm hứng 

Ham viết văn, bất cứ loại văn nào phần nhiều là do một mối bất mãn hoặc ngang trái gì. Trong các nhà văn tài hoa nhất, phần nhiều là những người hay đau yếu, bệnh hoạn hoặc những người mà đời sống sớm bị dở dang, trắc trở.

Nhiều khi cuộc đấu tranh vất vả không còn thuộc phạm vi cá nhân hay gia đình nữa mà lại thuộc về phạm vi xã hội hay tín ngưỡng. Nói lên được nỗi lòng u uất là vơi được chút nào nỗi khổ tâm. Người viết thấy khoan thai mà người đọc cũng thấy nhẹ nhàng lây.

Những nhà văn hoàn toàn bằng lòng với những số phận chung quanh mình đều là những nhà văn dở cả. Đừng sợ đau khổ, cũng đừng lẩn trốn đau khổ. Đau khổ là nguồn cảm hứng bất tận của nhà văn, cần phải biết khai thác nó.

III. Nhà văn phải có một nhân sinh quan rõ ràng và vững vàng

Muốn thành nhà văn đứng đắn, cần có một nhân sinh quan rõ rệt và vững vàng. Bằng không, sẽ không làm gì ảnh hưởng được độc giả.

Bất cứ một đại văn hào nào cũng có một bảng giá trị riêng về sự vật. Không một đại văn hào nào mà không có một đại triết gia ẩn núp trong những tác phẩm của mình. Thiếu một căn bản triết học không bao giờ trở thành nhà văn đứng đắn, xứng đáng với danh từ của nó.

Một tác phẩm hay phải là một tác phẩm có giá trị vượt thời gian và không gian.

Muốn chịu nổi sự thử thách của thời gian, tác phẩm phải được đặt trên những giá trị vĩnh cửu, và tác giả cũng phải có điều gì muốn nói với kẻ đồng thời.

Viết một quyển sách có những thích ứng với thời cuộc, đồng thời sâu sắc và chứa đựng những giá trị vĩnh cửu, bất di bất dịch là điều rất khó, nhưng phải có được như thế thì tác phẩm mới trường tồn.

III. Nhà văn phải có tính say mê

Anh chỉ trở thành nhà văn khi nào anh có tính say mê.

IV. Phải đọc thật nhiều sách

Muốn trở thành nhà văn phải đọc sách cho thật nhiều. Đọc sách sẽ giúp cho ta nảy sinh nhiều ý tưởng bất ngờ, đó là nguồn cảm hứng hay nhất cho nhà văn, không bao giờ làm cho ta cạn hứng.

V. Phải biết quan sát, phải suy ngẫm, tìm tòi, khám phá ra khía cạnh độc đáo chưa ai khám phá ra

Biết quan sát là tất cả bí quyết của thành công trong nghề viết văn. Trong tất cả mọi sự vật đều có một vài chỗ chưa ai khám phá. Hãy tìm cho ra khía cạnh đặc biệt ấy. Chỉ có vậy mới khiến mình trở nên mới mẻ, đặc biệt hơn trong mắt độc giả.

VI. Phải kiên trì, phải nuôi dưỡng ý tưởng, tác phẩm mỗi ngày

Một quyển sách viết ra phải là kết tinh của một đề tài được ấp ủ lâu ngày. Thiếu hàm dưỡng không có một tác phẩm nào trường cửu được. Càng hoài bão lâu ngày, đứa con tinh thần của ta mới càng được khoẻ mạnh, cứng cáp.

VII. Tập trung vào chủ đề, tránh tham lam mà lan man xa rời chủ đề chính

Nhà văn cũng cần biết hạn chế lấy mình. Nhà văn cần phải biết tiết kiệm các chi tiết và nhất định sa thải tất cả những gì không ăn vào đề.

Bài viết trích lược lại một phần tư tưởng, quan điểm, nội dung cuốn sách như một bản đáng ghi nhớ cho chính bản thân mình! Nội dung trích lược có thể không truyền tải được hết tư tưởng của tác giả mà chỉ là những điều mình cảm thấy hữu ích, ấn tượng, đúng đắn dưới góc nhìn cá nhân (Cuốn này rất rẻ, để đọc bản full chi tiết bạn nên mua sách về đọc nhé). Hi vọng bài viết hữu ích cho những bạn đang loay hoay trên con đường học viết và cố gắng để viết tốt hơn mỗi ngày, những ai đang tìm kiếm những cuốn sách hay về thuật viết lách. 

Nhật Chi - Viết để dẫn lối. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét