Là một Content Writer chắc chắn sẽ có lúc phải đụng đến bài Pr. Vậy bạn đã biết thế nào là một bài PR, các dạng bài PR? Cách triển khai bài Pr sao cho ấn tượng và độc đáo nhất?
Có khi nào bạn đi phỏng vấn và gặp phải những câu hỏi: “Em đã từng viết bài PR bao giờ chưa? Em có thể phân biệt được các dạng bài PR không? Hay em thường viết PR như thế nào? Bố cục một bài PR ra sao?”.
Những câu hỏi có thể quen thuộc với dân trong ngành nhưng cũng có thể lạ lẫm với những Content mới vào nghề, Copywriter tay ngang.
Khái niệm Pr và bài PR
PR là viết tắt của từ Public Relations, nghĩa là quan hệ công chúng. Quan hệ công chúng là những nỗ lực có kế hoạch (việc làm có chủ đích, có mục tiêu, đối tượng, phương pháp với hệ thống phương tiện, công cụ rõ ràng) của một cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm thiết lập, duy trì mối quan hệ cùng có lợi với công chúng trên cơ sở thông tin đối thoại hai chiều với sự tham gia của các phương tiện truyền thông. (Theo sách PR công cụ phát triển báo chí. Đỗ Thu Hằng. Học Viện Báo Chí Tuyên Truyền).
Bài viết PR là một phần của hoạt động PR được thể hiện dưới dạng văn bản chữ viết, trên các phương tiện báo chí - truyền thông nhằm mục đích quảng bá hình ảnh thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp, thu hút sự quan tâm của công chúng.
Những dạng bài PR mà content cần biết và phân biệt được
Khác với các bài viết quảng cáo trực tiếp, được thực hiện bởi doanh nghiệp, bài viết PR có nhiều dạng thức khác nhau. Tìm hiểu các dạng bài PR cơ bản sẽ giúp cho quá trình sáng tạo và hành nghề của content dễ dàng hơn. Có 3 dạng bài PR cơ bản và phổ biến nhất.
1. Dạng bài Advertorial (bài quảng cáo)
Advertorial (nghĩa là Quảng cáo) là dạng nội dung pha trộn giữa biên tập và quảng cáo, những thông tin liên quan hữu ích, thú vị và thông tin về sản phẩm, thương hiệu được lồng ghép, dẫn dắt khéo léo để truyền bá thông thiệp về sản phẩm, thương hiệu, quảng bá hình ảnh cho doanh nghiệp. Dù được trình bày như một bài báo và nhưng mục đích thực sự của nó lại là thương mại.
Advertorial dịch nghĩa là quảng cáo nhưng mình thấy cách gọi bài báo thương mại sẽ sát nghĩa hơn vì mặc dù mục đích của nó là quảng cáo và thương mại nhưng bài báo thương mại vẫn được trình bày nhưng một bài báo và truyền tải những thông tin hữu ích cho người đọc chứ không đơn thuần giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ như quảng cáo truyền thống (một trang báo được dành riêng cho quảng cáo, chú trọng về hình ảnh mà bỏ qua câu chữ).
Bài Advertorial có thể do Copywriter của doanh nghiệp viết và biên tập viên của báo sẽ biên tập lại để dung hòa với định hướng của tờ báo, hoặc cũng có thể do nhân viên của tờ báo viết theo đặt hàng từ doanh nghiệp.
Bài Advertorial thường kết thúc bằng một lời kêu gọi hành động hoặc thông tin về sản phẩm, thương hiệu nhằm đưa thông tin đến người đọc về cách thức và nơi để mua sản phẩm hoặc dịch vụ.
2. Dạng bài Editorial (Bài biên tập)
Editorial (nghĩa là Biên tập) là dạng bài PR được viết bởi chính các nhà báo. Với dạng bài này, nội dung và ngôn từ ít bị chi phối bởi góc nhìn chủ quan, thiên lệch của doanh nghiệp. Các bài viết dạng Editorial vì thế cũng được đánh giá là khách quan, đáng tin cậy đối với khách hàng hơn.
Bài Pr dạng Editorial thường có thông tin mang tính thời sự, nội dung thu hút, một câu chuyện cụ thể, đảm bảo yếu tố bất ngờ, lôi cuốn, mang lại nhiều giá trị và cảm xúc cho độc giả. Bài viết sở hữu tông giọng phù hợp với tổng thể tờ báo, đôi khi, độc giả hoàn toàn không hề nhận thấy “dấu hiệu” của quảng cáo.
5 bước cơ bản để tạo ra một bài viết Editorial bao gồm: Tìm câu chuyện, chủ đề hấp dẫn – Xác định câu chuyện, chủ đề phù hợp với đặc thù tờ báo – Khai thác nội dung hữu ích, độc đáo – Tìm phương thức thể hiện câu chuyện – Tạo ra các “góc cạnh” khác nhau cho mỗi câu chuyện, chủ đề.
3. Dạng bài Testimonial (Bài phỏng vấn)
Testimonial (nghĩa là phỏng vấn) là dạng bài PR viết theo kiểu bài phỏng vấn hoặc kiểm chứng. Người viết sẽ dẫn chứng các số liệu đã được thống kê và tiến hành phỏng vấn nhân vật để viết bài PR. Nhân vật phỏng vấn có thể là người dùng trải nghiệm sản phẩm, lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực liên quan,...
Thông qua các luận điểm, luận cứ hay dẫn chứng về nhân vật, bài viết PR dạng phỏng vấn cung cấp thông tin, trải nghiệm thực tế của khách hàng, nhằm thuyết phục sự tin tưởng của khách hàng.
Khi nào thì dùng Advertorial, Editorial hoặc Testimonial?
Khi lập một kế hoạch truyền thông thường có rất nhiều giai đoạn, các bài viết PR cũng thể đi riêng rẽ mà thường theo một chuỗi các sự kiện liên quan, để tạo nên hiệu ứng truyền thông lan tỏa liên tục, thu hút khách hàng, khiến khách hàng ghi nhớ sản phẩm, thương hiệu đó.
Như vậy, tuỳ theo một chiến lược truyền thông mà có thể dùng bài Advertorial, Editorial hoặc Testimonial cho các giai đoạn khác nhau, xây dựng độ nhận biết khác nhau với các độc giả.
Ví dụ, Công ty A chuẩn bị tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm mỹ phẩm mới.
- Ở giai đoạn 1 của chiến dịch PR cho sản phẩm mới, với mục tiêu định hướng người dùng về xu hướng mỹ phẩm mới, thành phần, công nghệ trong sản phẩm mới. Content có thể sử dụng bài viết dạng Editorial, đưa ra những bằng chứng, thông tin hữu, sau đó hé lộ thông tin về sản phẩm sắp ra mắt, thu hút sự quan tâm của độc giả.
- Ở giai đoạn 2, khi sản phẩm ra mắt thị trường với mục thu hút độc giả, tăng độ hot cho sản phẩm, tăng độ nhận diện thương hiệu. Content có thể sử dụng bài Editorial hoặc Testimonial kết hợp đưa tin tức sự kiện ra mắt và phỏng vấn khách hàng, trải nghiệm tại sự kiện, chuyên gia, chủ doanh nghiệp.
- Ở giai đoạn 3, khi sự kiện ra mắt kết thúc và sản phẩm đi vào thị trường cần tăng doanh số. Content có thể sử dụng bài viết PR dạng Advertorial, truyền tải về thông tin chi tiết về sản phẩm, câu chuyện truyền cảm hứng của thương hiệu giúp người dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm. Để tăng sự uy tín, thuyết phục sự tin tưởng của khách hàng có thể sử dụng bài PR dạng phỏng vấn với chuyên gia, phỏng vấn các khách hàng đã trải nghiệm sản phẩm.
Như vậy, trong một chiến lược truyền thông, chúng ta có thể dùng nhiều dạng bài PR khác nhau: Thông thường, Advertorial hoặc Editorial cho giai đoạn 1 – xây dựng độ nhận biết và Testimonial thường dùng ở khi sản phẩm đã được nhận biết rộng rãi, với mục tiêu xây dựng sự tin tưởng, trung thành và khuyến khích khách hàng quyết định mua.
Tất nhiên, đó không phải một quy tắc tuyệt đối, người lên kế hoạch content marketing, chiến lược truyền thông hay viết bài PR cần hiểu rõ chu trình “sống” của sản phẩm, các giai đoạn nhận thức của khách hàng (tâm lý khách hàng) để từ đó xây dựng các mục tiêu, thông điệp, lựa chọn nội dung, cách thể hiện, loại hình bài viết PR sao cho thích hợp. Một bài viết PR cũng có có thể kết hợp cả truyền tải thông tin hữu ích và phỏng vấn, sao cho linh hoạt và hiệu quả nhất.
Những công thức viết bài PR thu hút độc giả và mang lại hiệu quả cao
Công thức viết 3S: Start (ngôi sao) - Story (câu chuyện) - Solution (giải pháp)
Star: Một nhân vật cụ thể có thể truyền tải câu chuyện có liên quan đến sản phẩm. Star không nhất thiết phải là một người nổi tiếng, đó có thể là bất kỳ nhân vật nào như: một bà mẹ đau đầu vì có con biếng ăn (nếu đó là sản phẩm ăn ngon cho trẻ); một phụ nữ trung niên khổ sở vì chứng đau đầu nhiều năm (nếu đó là sản phẩm trị đau đầu); một beauty blogger về làm đẹp (nếu đó là sản phẩm mỹ phẩm), hoặc chính giám đốc doanh nghiệp, nhân viên công ty, hoặc chính bạn....
Story: Câu chuyện mà nhân vật đã phải đối mặt, trải qua, những lúc khó khăn, bước ngoặt cuộc đời họ. Thời điểm họ muốn gục ngã, bỏ cuộc, thời điểm họ nhận ra sai lầm tưởng chừng như không bao giờ vượt qua được, những cảm xúc của họ khi ấy. Hãy lựa chọn những chi tiết đắt nhất và bước ngoặt tạo nên giá trị con người mà câu chuyện đang truyền tải.
Solution: Sau tất cả những khó khăn mà nhân vật gặp phải, đâu là giải pháp của họ, vì sao họ tìm ra, nhận ra được điều đó, đồng thời nêu ra lợi ích mà phương pháp (sản phẩm, dịch vụ) đem tới sau khi nhân vật thực hiện.
Công thức viết PAS: Problem (vấn đề) – Agitate (kích động) – Solve (giải quyết)
Problem: Một trong những yếu tố giúp bài Pr của bạn có thể dễ dàng chạm được tới trái tim người đọc nhất đó là kể ra được những vấn đề mà họ đang gặp phải. Chẳng gì hơn một người bạn hiểu mình và cho mình lời khuyên hữu ích.
Agitate: Sau khi kể được ra những vấn đề của người dùng là bước kích động tức là đẩy câu chuyện lên cao trào, khiến nó trở nên trầm trọng hơn, nhấn mạnh vào những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra nếu vấn đề không được giải quyết.
Slove: Sau khi khiến độc giả cảm thấy đồng cảm, nhận thấy những hậu quả có thể xảy ra thì bây giờ là lúc giúp họ giải quyết vấn đề, hướng dẫn cho người dùng những giải pháp cụ thể kèm theo đó là giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ bạn muốn quảng cáo.
Công thức viết Strings (liệt kê, tổng hợp)
Bài viết dạng liệt kê, tổng hợp các vấn đề, phương pháp là cách viết khá phổ biến và dễ dàng triển khai, không đòi hỏi quá nhiều về tư duy cũng như độ am hiểu khách hàng như hai cách trên. Bài viết dạng này cũng có thể mang lại hiệu quả không hề thua kém hai cách trên.
Ví dụ một số dạng bài PR kiểu tổng hợp, liệt kê
- Top 10 cách tăng sức đề kháng mùa Covid-19 hiệu quả nhất
- Top 5 mỹ phẩm tốt nhất cho da mụn từ thành phần thiên nhiên
- Mẫu 10 bài viết Pr mỹ phẩm hay nhất thu hút triệu view
Trên đây là những thông tin về các dạng bài PR phổ biến và cách viết bài PR sao cho hấp dẫn và hiệu quả. Hi vọng với những chia sẻ này có thể giúp bạn hiểu về bài PR và có nhiều bài viết hay hơn. Bên cạnh đó bạn có thể tham khảo thêm: 4 công thức viết content quảng cáo đỉnh cao từ các Copywriter để phục vụ cho công việc sáng tạo nội dung của mình.
Nhật Chi: Viết để học, viết để dẫn lối.
1 Nhận xét
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa