Looking For Anything Specific?

Header Ads

Top 10 nghề nghiệp liên quan đến viết lách mà bạn có thể theo đuổi


Nếu yêu thích việc “đong đưa”, “làm tình” với những con chữ, muốn theo đuổi con đường viết lách, coi viết lách là công cụ kiếm tiền, là sự nghiệp thì top những nghề nghiệp liên quan đến viết lách này có thể sẽ là gợi ý tuyệt vời cho bạn.

Khi nói đến công việc viết lách hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến những nghề nghiệp như nhà văn, nhà báo hay biên kịch. Đó đều là những ngành nghề khiến người ta dễ liên tưởng đến viết lách nhất nhưng ngày nay nghề nghiệp liên quan đến viết lách đã trở nên đa dạng hơn rất nhiều. Nó gần như cần thiết ở mỗi doanh nghiệp và nhu cầu nhân sự ở các vị trí viết nội dung trở nên nở rộ hơn.

Phải nói rằng, sự phát triển của xã hội hiện đại, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thời đại 4.0, của mạng xã hội và truyền thông đã tạo ra rất nhiều nghề nghiệp mới liên quan đến viết lách mở ra cho các bạn trẻ giỏi viết lách rất nhiều lựa chọn.

Bạn là người yêu thích công việc viết lách, thích sáng tạo và chìm đắm với các con chữ thì list những công việc liên quan đến viết lách dưới đây có thể sẽ giúp cho con đường của bạn trở nên rõ ràng và cụ thể hơn.

1. Nhân viên nội dung (Content writer/ Copywriter…)



Nhân viên nội dung ở các doanh nghiệp còn được gọi với rất nhiều tên gọi Content writer/ Content Creator/ Content Website/ Copywriter,... Tùy thuộc vào vị trí vào yêu cầu công việc mà ở các công ty sẽ gọi với những tên gọi khác nhau. Nhưng nhìn chung, các việc đều là sáng tạo nội dung về sản phẩm, thương hiệu, doanh nghiệp để đưa thông tin đến với khách hàng.

Với công việc này nghiên cứu chiến lược nội dung, sáng tạo các loại nội dung trên nhiều nền tảng (website, fanpage, youtube, tiktok, báo chí,...) nhằm mục đích quảng bá cho sản phẩm, thương hiệu, doanh nghiệp.

Bạn có thể tìm thấy rất nhiều bài viết phân biệt sự khác nhau giữa Content writer/ Copywriter/ Content Creator,... ở rất nhiều bài viết khác hay trong các sách về chuyên ngành. Sự phân biệt rạch ròi các nhiệm vụ đó có thể sẽ sát sao và đúng chuẩn ở các công ty Agency, nhưng ở nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, bạn có thể sẽ là người đảm nhiệm hầu hết tất cả các vị trí đó. Gắn bó với nghề content marketing hơn 8 năm đây là 10 kỹ năng mình đã trau dồi để “sống” với nghề content bạn có thể đọc để hiểu thêm nếu đang quan tâm tới lĩnh vực này. 

2. Nhân viên Pr/ Nhân viên truyền thông



Một trong những điều mà nhân viên Pr/ Truyền thông cũng phải trau dồi đó là kỹ năng viết lách, hiểu được Bài Pr là gì? Những dạng bài PR phổ biến và viết bài PR hấp dẫn. 

Bên cạnh đó, cùng với kỹ năng sáng tạo nội dung, tài liệu truyền thông (như thông cáo báo chí, bài báo, kịch bản MC, kịch bản sự kiện, kịch bản TVC...) bạn cũng cần trau dồi những kỹ năng như nghiên cứu, phân tích đối thủ, lập kế hoạch truyền thông, tổ chức sự kiện, xử lý khủng hoảng truyền thông.

Ngoài ra, một số công việc khác mà nhân viên Pr/Truyền thông phải làm như tạo lập và duy trì mối quan hệ với các đơn vị báo chí, giữ liên lạc với đại sứ thương hiệu, phổ biến kế hoạch truyền thông đến đại sứ thương hiệu, Kols,...

Trên thực tế, một số công việc của nhân viên PR/ Truyền thông/ Quan hệ công chúng sẽ do nhân viên nội dung đảm nhận, hoặc nhân viên nội dung sẽ kiêm một phần nhiệm vụ của nhân viên Pr ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không có sự tách bạch rõ ràng. Điều này là để tối ưu bộ máy nhân sự do những công việc phát sinh như các sự kiện, chiến dịch quảng cáo báo chí sẽ không diễn ra thường xuyên.

3. Nghề báo

Bạn có thể làm việc cho các tòa soạn, đài truyền hình, đài phát thanh với nhiệm vụ là đưa các tin tức, sự kiện nóng hổi hằng ngày hoặc ở vị trí biên tập viên tòa soạn, biên tập các bài viết cho phóng viên hiện trường gửi về.

Khi theo đuổi nghề báo bạn cũng nên lựa chọn một chuyên mục nào đó để theo đuổi như: Thể thao, xã hội, kinh tế, khoa học, văn hóa - nghệ thuật,... chẳng hạn. Điều sẽ giúp bạn có hướng đi rõ ràng hơn và định hình được phong cách, văn phong, kỹ năng viết phù hợp hơn.

4. Biên kịch



Biên kịch là những người viết viết kịch bản phim truyền hình, phim điện ảnh, phim hoạt hình, chương trình truyền hình, gameshow và ngày nay có thêm những người chuyên viết kịch bản video trên YouTube.

Công việc yêu cầu nhiều ý tưởng và sự sáng tạo cao, các kỹ năng viết kịch bản, xây dựng nhân vật, tình huống, thoại,... Đôi khi kịch bản sáng tạo nhưng không phù hợp để sản xuất cũng là vấn đề khiến các biên kịch thêm phần khó khăn. Vì vậy, đôi khi một biên kịch thường mất nhiều thời gian sửa kịch bản hơn cả việc viết một kịch bản mới.

5. Biên tập sách

Người đọc bản thảo và phân tích và đưa ra những đề xuất thay đổi cho tác giả để hoàn thiện ấn phẩm. Đối với công việc này yêu cầu bạn phải có khả năng ngôn ngữ tốt, từ ngữ, ngữ pháp chuẩn, linh hoạt, vốn từ rộng, hiểu biết sâu rộng từ cổ chí kim cũng như những “biến thể” mới của ngôn ngữ hiện đại.

Phần lớn các đơn vị xuất bản đều yêu cầu biên tập viên phải có trình độ đại học trở lên với các bằng chuyên ngành xuất bản, ngữ văn hoặc ngành xã hội - nhân văn khác.

6. Nghề chấp bút/Người chấp bút



Người chấp bút (tiếng anh: Ghostwriter) là người giúp người khác chuyển thể câu chuyện, cuộc đời họ thành một tác phẩm có thể dưới dạng hồi ký, tự truyện.

Hiện nay rất nhiều doanh nhân, ca sĩ, người nổi tiếng,... có nhu cầu chia sẻ, lan tỏa câu chuyện cá nhân của mình đến với độc giả, người hâm mộ. Nhưng thay vì tự ngồi viết lại câu chuyện của mình họ thường thuê những Ghostwriter có kỹ năng viết lách tốt hơn để truyền tải chính xác những điều mình muốn.

Ngoài ra, với nhu cầu xây dựng thương hiệu cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, rất nhiều doanh nhân, người nổi tiếng cũng thường tìm kiếm các Ghostwriter viết các dạng status, câu chuyện, trải nghiệm cá nhân trên các trang cá nhân, fanpage, instagram, blog, website cá nhân của mình.

Điều này cho thấy nhu cầu nhân sự ở mảng này là rất lớn và có thể là một hướng đi cho các cây viết. Kỹ năng của người chấp bút không chỉ là văn phong tốt, ngôn ngữ phong phú để truyền tải những gì người thuê muốn, cũng không đơn thuần là viết lại những gì nhân vật kể mà phải viết dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về nhân vật cùng họ phát hiện ra nhiễm điểm đặc trưng hay sự độc đáo trong câu chuyện mà đôi khi chính nhân vật cũng chưa nhận ra. 

Nếu quan tâm đến ngách này, bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về tiềm năng phát triển của nghề chấp bút tại bài viết: Ghostwriting và Ghostwriter là gì? Làm "cây viết ma" có gì thú vị?

7. Nhà văn, tiểu thuyết gia

Sáng tạo ra các tiểu thuyết, truyện. Yêu cầu với công việc này là có kỹ năng kể chuyện và phong cách riêng, gây được sự chú ý với độc giả.

Sáng tác văn, truyện, tiểu thuyết cũng rất đa dạng như: Truyện ngắn, ký sự, tản văn, truyện dài, tiểu thuyết ngôn tình, tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết lịch sử - dã sử.... Bạn nên định hình thể loại mình muốn theo đuổi để có thể con đường cụ thể và tập trung hơn.

Với sự phát triển của internet giờ đây bạn có thể dễ dàng trở thành một nhà văn mà không cần phải thông qua xuất bản sách. Bạn có thể trở thành nhà văn mạng chuyên viết truyện cho các trang web truyện hoặc tự đăng tải câu chuyện của mình trên blog, website cá nhân.

8. Biên dịch viên

Là người chuyển thể văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mà không làm thay đổi ý nghĩa của nó. Bạn có thể làm công việc dịch sách, dịch báo hay làm trong lĩnh vực bản địa hóa (localisation).

Yêu cầu tối thiểu là bạn phải thành thạo, am hiểu ít nhất 2 ngôn ngữ và viết tốt cả hai ngôn ngữ này. Ngoài ra, sẽ tốt hơn nếu bạn có kiến thức chuyên môn trong một lĩnh vực nhất định nào đó. Ví dụ, bạn am hiểu lịch sử và ngôn ngữ Trung - Việt, sẽ dễ dàng hơn khi bạn chuyển thể các tác phẩm lịch sử Trung Quốc sang tiếng Việt.

9. Blogger



Blogger có thể coi là một Content Writer Freelance (người viết tự do). Blogger có một blog, website cá nhân và viết các nội dung chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm, góc nhìn của mình với một lĩnh vực nào đó hoặc các vấn đề trong cuộc sống.

Nhờ những thông tin hữu ích, thú vị, độc đáo mà họ chia sẻ mà thu hút độc giả với blog, trang web của mình. Thông qua các công cụ như Google AdSense (giúp bạn hiển thị ads trên blog) hay Affiliate marketing mà blogger có thể có được nguồn thu nhập thụ động cao và đều đặn.

Với công việc này yêu cầu bạn phải có kỹ năng viết tốt, tạo được phong cách viết cho riêng mình, sẵn sàng chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm và bày tỏ quan điểm của mình. Bạn cũng cần có kiến thức về quản trị website, thiết kế, seo,... để hỗ trợ cho nội dung của mình dễ dàng lên top và tiếp cận với nhiều độc giả hơn.

10. Viết review

Khi bạn trở thành một người có tầm ảnh hưởng, có lượng fan nhất định trên các mạng xã hội, bạn cũng có thể trở thành một cây viết review như review phim, review sách, review mỹ phẩm,... cho các dự án, thương hiệu.

Những người làm công việc có thể coi là một dạng Influencer. Họ nhận viết các bài review cho sản phẩm, dự án và nhận thù lao. Tất nhiên, để trở thành người viết review như vậy trước tiên bạn phải có một lượng fan, độc giả nhất định và điều cốt lõi là khả năng viết lách tốt.

Khác với các thể loại khác, các bài viết review yêu cầu sự thân thiện, gần gũi với độc giả mà vẫn giữ được phong cách riêng, độc đáo của tác giả. Điều này đòi hỏi người viết phải xây dựng được phong cách kể chuyện mang dấu ấn, cá tính riêng biệt và lồng ghép được những sản phẩm, dịch vụ, thông tin cần thiết vào câu chuyện kể một cách khéo léo.

Với nhu cầu quảng cáo, marketing bằng Storytelling ngày càng phổ biến và được ưa chuộng thì những người viết review với phong cách kể chuyện độc đáo, thú vị càng được đánh giá cao. 

Để dấn thân vào nghề viết ngoài việc hiểu về đặc điểm, tính chất, vai trò của những công việc này, thì những bạn đang sắp bước vào ngưỡng cửa đại học có thể bắt đầu bằng việc tìm hiểu những ngành học phù hợp dành cho mình thông qua bài viết: Thích viết lách học ngành gì nhé! 

Hi vọng với top 10 công việc về viết lách trên có thể giúp bạn hiểu hơn một chút về các nghề nghiệp này, tìm thấy cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai và tìm thấy lối đi cho sự nghiệp của mình. 

Nhật Chi - Viết để dẫn lối! 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét