Looking For Anything Specific?

Header Ads

Ghostwriting và Ghostwriter là gì? Làm "cây viết ma" có gì thú vị?



- Bạn có muốn trở thành "cây viết ma" không?

- Đang yên đang lành lại muốn đi làm ma! Kỳ vậy?

- Nhưng "con ma" này có thể kiếm tiền, kiếm bộn tiền

- Thế thì mình cũng muốn!

- Nhưng làm "ma" này không dễ đâu nha.

Phải có bút lực, phải có kỹ năng viết, biên tập và tổ chức nội dung cực tốt, phải có chuyên môn, phải có kỹ năng khai thác vấn đề, tìm ra điểm sáng, giá trị trong những câu chuyện tưởng như bình thường, phải biết lắng nghe, phải có lập trường.... và nhiều điều khác nữa. 

Nếu bạn muốn trở thành một "Cây viết ma" hay nói cách khác là một Người chấp bút, một GhostWriter thì hãy đọc ngay bài viết dưới đây để tìm hiểu những điều thú vị của công việc này nhé! 

1. Lịch sử và bối cảnh phát triển nghề Ghostwriting ở Việt Nam và trên thế giới

Từ thế kỉ V TCN, nhiều người được thuê để viết nội dung, tài liệu cho hoàng gia. Đây có thể coi là manh nha của nghề ghostwriting. Sau này nhiều nhà lãnh đạo cũng thuê những người viết lại câu chuyện lịch sử của họ, đây chính là khởi đầu của nghề ghostwriting. Năm 1920, khái niệm Ghostwriting xuất hiện lần đầu tiên tại Mỹ.

Có thể nói Ghostwriting đã xuất hiện rất lâu trên thế giới, nhưng tính đến thời điểm hiện tại khi mà tìm kiếm “Ghostwriting là gì?” hay “Ghostwriter là gì?” trên google sẽ thấy có sự khác biệt rất lớn giữa các nội dung của nước ngoài so với Việt Nam.

Một số trang web nước ngoài nói nhiều về chủ đề này như Ghostwriter Gobal, chia sẻ khá chi tiết về nghề này. Nhưng ở Việt Nam chưa có một website chính thống nào nói chi tiết về nghề này. Những chia sẻ về nghề cũng chỉ đến từ một số cá nhân writer đang làm nghề. Tuy vậy, nó cũng đang góp phần làm cho công việc trở nên phổ quát hơn và thị trường trong nghề nghiệp này trở nên sôi động hơn.

Vậy tại sao Ghostwriter đã tồn tại rất lâu, trên thị trường thế giới nó được đón nhận và rất sôi nổi nhưng tại Việt Nam mọi người lại làm rất ẩn dật vậy?

Điều này là do, lĩnh vực này còn khá mới mẻ ở Việt Nam, cũng ít ai coi đó là một nghề hay công việc nghiêm túc để biến nó thành sự nghiệp. Mặt khác, hiểu biết về nghề này còn khá sai lầm và ngộ nhận, nhiều người thậm chí còn nghĩ đây là công việc lừa đảo, nó vi phạm về mặt đạo đức.

2. Định nghĩa về "Ghostwriting" và "Ghostwriter"

  • Ghostwriter: Cây viết ma hay Người chấp bút
  • Ghostwriting: Nghĩa là Nghề chấp bút
Ở đây ghost nghĩa là con ma, writer là cây viết. Ghostwriter có nghĩa là cây viết ma, người viết ma (là người viết được người khác thuê để viết nội dung cho họ nhưng không được đứng tên trên tác phẩm). Điều này đồng nghĩa với nội dung được viết ra nhưng không ai biết nội dung đó được viết bởi một ghostwriter.

Ví dụ: Bạn là cây viết được 1 CEO thuê để viết nội dung hay sách cho họ nhưng không được đứng tên trên nội dung, cuốn sách đó, đó là định nghĩa của 1 Ghostwriter.

Ở Việt Nam Ghostwriter còn gọi là Người chấp bút. Từ “chấp" theo nghĩa Hán Việt nghĩa là cầm, cầm nắm, nắm giữ. Chấp bút có nghĩa là cầm bút viết. Người chấp bút là người ghi chép lại một sự vật hiện tượng, câu chuyện nào đó.

Trên thực tế, “Người chấp bút" hay “Nghề chấp bút" được dùng để nói đến người viết làm nghề hỗ trợ hoặc thay người khác kể những câu chuyện, ý tưởng của họ. Nghĩa là họ chỉ dùng kỹ năng ngôn từ, kỹ năng viết lách, biên tập để giúp cho câu chuyện, ý tưởng của người khác được xuất hiện một cách hoàn chỉnh nhất.

3. Khách hàng của Ghostwriter là ai?

Có 2 nhóm khách hàng chính là người sẽ có nhu cầu thuê Ghostwriter.
  • Nhóm 1: Người nổi tiếng, thành đạt: Doanh nhân, ca sĩ, diễn viên,…. Họ thành đạt và có độ ảnh hưởng nhất định, muốn thuê người viết nội dung để xây dựng thương hiệu cá nhân.
  • Nhóm 2: Người có câu chuyện, kiến thức muốn chia sẻ với mọi người như: Bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, huấn luyện viên,... hay bất kỳ ai có câu chuyện muốn kể.
Những người này, họ có câu chuyện, có ý tưởng nhưng lại không có kỹ năng viết, biên tập, sắp xếp cấu trúc sao cho cuốn hút. Nhiều người có thể viết tốt nhưng lại không có thời gian và họ chỉ tập trung làm việc trong lĩnh vực của họ.

Có đôi khi bản thân người cần chấp bút là những người không nhìn ra được hoặc không thấy câu chuyện của họ có gì hay ho, ở vai trò là Ghostwriter chúng ta cần phải khơi gợi nhu cầu của họ.

4. Thể loại nội dung dành cho Ghostwriter

  • Viết truyện: Hư cấu, tiểu thuyết,...
  • Sách: Tự truyện, hồi ký, tiểu thuyết …
  • Social Post: blog, web, bài đăng mạng xã hội, ebook ….
  • Viết lời bài hát cho ca sĩ, rapper (Công việc không được tuyển public mà theo mối quan hệ)
Content Writer ban đầu thường được khuyên là cứ trải nghiệm nhiều lĩnh vực sau đó chọn ra 1-3 lĩnh vực phù hợp nhất. Ghostwriter ở thời gian đầu lại được khuyên nên tập trung vào 1 hoặc vài lĩnh vực mà mình mong muốn làm việc, sau đó mới mở rộng thêm.

Đối với người hoàn toàn mới, Ghostwriter có phải hướng đi tiềm năng không thì phải dựa vào những gì mình đang có. Bạn có chuyên môn về lĩnh vực đó không, bạn có kỹ năng viết, biên tập, tổ chức outline tốt hay không, bạn có khả năng khai thác vấn đề, tìm ra điểm sáng cho câu chuyện và biến những ý tưởng trở nên sáng rõ, hấp dẫn hay không?,....

Khi làm Ghostwriter cần có chuyên môn rất cao, đặc biệt là với lĩnh vực viết sách. Nếu là bạn mới có thể chọn viết Social post, blog hay các ebook, đó sẽ là khởi đầu không quá nặng, nội dung ngắn, yêu cầu cũng không quá cao. Những trải nghiệm vừa sức sẽ giúp bạn dần dần trau dồi kỹ năng mà cũng không quá bị chán nản, sốc khi so với các nội dung nản, bạn cũng vì thế có thể từ từ nuôi dưỡng tình yêu, cái nhìn tích cực với công việc này.

5. Cơ hội và thu nhập của Ghostwriter​

Cơ hội của Ghostwriter như đã nói ở trên, có rất nhiều khách hàng tiềm năng, họ có câu chuyện muốn kể và cần người chấp bút. Đặc biệt với lĩnh vực Social và viết sách.

  • Thị trường tiềm năng

Kênh Social ngày càng trở thành nơi xây dựng và lan tỏa thương hiệu được nhiều người chú trọng, bởi vậy, nhu cầu thuê người chấp bút cho các kênh mạng xã hội ngày càng nhiều.

Với mảng viết sách, tuy đã có từ lâu nhưng đây vẫn là thị trường mà các ghostwriter có thể giành phần bánh cho mình. Hiện nay, nhu cầu viết sách và xuất bản cuốn sách riêng của mình vẫn rất lớn. Khao được kể lại câu chuyện của mình được để lại cuốn sách, di sản của mình là điều mà nhiều người mong muốn. Tuy vậy không phải ai cũng có khả năng tự viết nên câu chuyện, cuốn sách của mình, và đó là cơ hội cho các ghostwriter.

  • Thù lao cao hơn 20-30% 

Thu nhập của ghostwriter khá cao vì người viết không được đứng tên trên sách, tên tác giả là người khác, việc không được công khai danh tính nên thù lao nhận được sẽ cao hơn.

Tính chất của ghostwriting là không được xuất hiện dưới tên tác giả. Trung bình là thu nhập của các bài viết dạng này sẽ cao hơn 20 – 30% so với bài viết cùng thể loại.

Ví dụ: 1 bài blog giá 500k, nhưng với Blog ghostwriting giá có thể giao động 700-800k/bài

Tương tự với 1 cuốn sách tự viết và bán cho một nhà xuất bản giá có thể từ chỉ được 20-30 triệu/cuốn cho tác giả mới nhưng sẽ thu lao sẽ cao hơn nếu bạn là ghostwriter.

Tất nhiên, khách hàng thì không có sẵn, các ghostwriter cũng không thể Pr khi không được để lộ các tác phẩm đã viết, thông tin khách hàng. Vậy kiếm khách hàng ở đâu và như thế nào?

6. Ghostwriter tìm khách hàng ở đâu?

Rất nhiều những doanh nhân, chủ doanh nghiệp nhỏ, những bình thường nhưng phải vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách để xây dựng doanh nghiệp hay đạt được thành tựu nào đó. Tuy nhiên họ lại không biết rằng câu chuyện đó có thể truyền cảm hứng cho người khác. Việc khơi nhu cầu rất quan trọng với Ghostwriter.

Một số người đang viết sách nhưng họ gặp khó khăn trong quá trình viết, xuất bản họ cần có sự hỗ trợ thì lúc này bạn cũng có thể khơi gợi nhu cầu của họ với việc thuê một Ghostwriter.

Đừng chỉ chờ khách hàng tìm đến, hãy biết cách khơi gợi nhu cầu khách hàng. Và quan trọng hãy giới thiệu về bản thân, công việc đang làm trên các cộng đồng tiềm năng để khách hàng biết đến bạn.

Cách để tìm kiếm khách hàng tiềm năng:
  • Tham gia vào các cộng đồng có khách hàng tiềm năng (Ví dụ: Bạn quan tâm mảng doanh nhân hãy tham gia vào các group này và tích cực tương tác, giới thiệu bản thân trên đó)
  • Tham gia vào cộng đồng người cùng nghề: Kết nối với những cây viết khác và hỗ trợ lẫn nhau có thể giúp bạn kết nối job tiềm năng nhiều hơn. (Ví dụ một cây viết khác có job lĩnh vực sức khỏe nhưng lại chuyên mảng kinh doanh, nếu bạn là cây viết về sức khỏe lúc này hai bạn có thể có cơ hội giới thiệu job cho nhau.
  • Nhờ các mối quan hệ quen biết: Thông qua bạn bè, người quen giới thiệu, tìm hiểu, khơi gợi nhu cầu của khách hàng tiềm năng.
Ghostwriting và Ghostwriter hiện vẫn đang là công việc khá mới mẻ tại Việt Nam. Thậm chí nhiều người có cái nhìn sai lệch hoặc hiểu không đúng về công việc của Ghostwriter dẫn đến những vi phạm đạo đức nghề nghiệp và làm nghề sai. Bên cạnh đó, ngoài thù lao cao công việc này cũng có những khó khăn nhất định? Những khó khăn đó là gì? Hiểu sao cho đúng về Ghostwriter? Mình sẽ tiếp tục cập nhật thông tin ở bài viết sau! Các bạn quan tâm có thể theo dõi website Nhatchi.com để đọc những thông tin thú vị về nghề viết lách này nhé!

Ghi chép từ Workshop: Ghostwriting Webinar - Nghề chấp bút tại Việt Nam và những câu chuyện lần đầu được kể, tổ chức bởi Blogger/Tác giả Linh Phan và các cộng sự! 
Thông tin bài viết được ghi chép và trích dẫn từ những chia sẻ trải nghiệm của các diễn giả, những người đã và đang là Ghostwriter.

 

Nhật Chi - Viết để dẫn lối!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét