Looking For Anything Specific?

Header Ads

8 cách giúp nâng “trình” viết lách của bạn


Cải thiện kỹ năng viết, nâng tầm giá trị bài viết là điều bất cứ content writer - người viết nội dung nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, làm cách nào để nâng cao “trình viết” không phải ai cũng biết. Nếu chỉ cắm cúi đâm đầu vào viết mà không có phương pháp khác nào “mò kim đáy bể”. Thực hiện 8 cách dưới đây chắc chắn sẽ giúp cải thiện bút lực và nâng trình viết lách của bạn.

1. Xác định và thiết lập mục tiêu trước khi viết

Nếu không biết rõ mục tiêu mình viết vì điều gì, viết cái gì sẽ thật khó để biết phải bắt đầu từ đâu và thực hiện như thế nào. Vậy nên muốn hoàn thành việc viết, nâng “trình” viết trước tiên bạn phải xác định rõ mục tiêu của mình.

Để nâng tầm kỹ năng viết đương nhiên bạn sẽ phải luyện viết nhiều hơn và viết liên tục trong thời gian dài. Vì vậy, sau khi xác định chủ đề mình muốn hãy thiết lập các mục tiêu như: 


  • Số lượng: Hãy đề ra một số lượng bài viết bạn quyết tâm sẽ thực hiện được. Số lượng không nên quá nhiều nhưng cũng đừng quá ít khiến bạn không có động lực cố gắng mà hãy dựa vào khoảng thời gian thực hiện khả thi.
  • Lên kế hoạch viết: Hãy lên bản kế hoạch nội dung của riêng bạn, thiết lập chủ đề cho từng ngày, tháng cụ thể và thực hiện nó theo đúng mục tiêu đề ra.
  • Thời gian: Đặt thời gian viết cho mỗi bài viết để đo lường tốc độ và rút ngắn dần thời gian hoàn thành. Sau một thời gian bạn sẽ thấy mình viết nhanh hơn và không còn cảm giác trì hoãn hay cảm thấy khó khăn như lúc bắt đầu.

2. Viết và quên đi lý thuyết

Viết. Viết nữa. Viết mãi. Hãy viết bất cứ khi nào và đừng quá lo lắng về ngữ pháp, cấu trúc, dấu câu. Đừng lo câu quá dài hay quá ngắn. Cũng đừng bận tâm câu mở đề đã hay chưa, đã hấp dẫn chưa. Hãy viết tất cả ý tưởng, suy nghĩ của bạn. Bắt đầu và đừng dừng lại cho đến khi bạn viết xong.


Viết là một hành trình sáng tạo, vậy nên hãy để đầu óc thoải mái với tất cả suy nghĩ và để nó được tuôn tràn trên trang giấy. Hãy cứ phiêu lưu với những con chữ và bất kỳ logic nào rồi cuối cùng mới sắp xếp lại, chỉnh sửa chính tả, cấu trúc, từ ngữ cao cho mạch lạc, hấp dẫn hơn.

Việc cứ nghĩ về một bài viết hoàn hảo, một từ ngữ đặc sắc, về những câu văn cần chỉnh sửa khi đang viết, thậm chí trước khi viết, bạn sẽ cảm thấy rất khó khăn để bắt đầu và hoàn thành.

3. Đọc lại và biên tập bài viết của mình

Đây là lúc bạn chỉnh sửa là sắp xếp lại ý tứ sao cho logic, mạch lạc, chau chuốt lại câu từ sao cho ấn tượng, hấp dẫn. Đọc lại ngay sau khi viết. Đọc lại sau khi chỉnh sửa. Đọc lại kể cả sau khi đăng tải (và tinh chỉnh tiếp nếu có thể).

Tuy nhiên, với một số ấn phẩm in như báo, tạp chí, sách, tờ rơi, áp phích,... bạn cần đọc và tinh chỉnh thật chỉn chu trước khi xuất bản, gửi bản in. Bởi sau khi in, bạn sẽ khó có cơ hội chỉnh sửa lại.

Một số nội dung phát hành online cho phép bạn tiếp tục tinh chỉnh, nhưng với các ấn phẩm dạng in, phát hành trên các kênh truyền thông ngoại bộ rất khó để có thể chỉnh sửa. Vậy nên, để tránh mình rơi vào cảnh “bút sa gà chết” hãy đọc lại thật kỹ nhé, check từng dấu chấm, dấu phẩy nhé. 


Sau khi đọc lại, sửa lại nhiều lần bạn sẽ nhận ra câu văn lúc trước và sau khi sửa khác biệt thế nào và thấy rằng kỹ năng viết của đã được tự nâng cấp. Trải qua quá trình này, chắc chắn sẽ giúp những bài viết sau của bạn hay hơn, mạch lạc hơn và ít phải chỉnh sửa hơn.

4. Nhờ người đọc và nhận xét bài viết của mình

Người ta có câu “văn mình vợ người” - văn mình lúc nào cũng hay, vợ người lúc nào cũng đẹp. Ý nói đến sự chủ quan trong nhận định, dựa vào cảm tính để đánh giá, đặc biệt với những gì mình tâm huyết, yêu quý càng khó để có được sự khách quan.

Việc để người khác đánh giá bài viết của mình, đôi khi thật khó chịu và không dễ dàng gì để chấp nhận nhưng nó lại giúp ích rất nhiều cho việc cải thiện và hoàn thiện kỹ năng viết. Nhất là đối với những người có chuyên môn, kỹ năng biên tập tốt, họ có thể giúp bạn phát hiện những lỗi sai mà đôi khi bạn đọc nhiều lần vẫn không nhận ra.

Tất nhiên, bạn cũng không nên đẽo cày giữa đường, ai nói gì cũng làm theo. Nếu một vấn đề bạn thấy có lý nhưng người khác thì không, bạn cần biết là phải làm rõ hoặc mở rộng vấn đề. Bạn cần hiểu rõ giá trị cốt lõi của bài viết và điều mình muốn truyền đạt là gì. Bám vào tư tưởng chủ đề cùng những góp ý tích cực sẽ giúp bạn hoàn thiện bài viết tốt hơn.

5. Đưa trải nghiệm của bản thân vào bài viết

Viết là thể hiện quan điểm, góc nhìn của bản thân đối với những vấn đề, sự vật, hiện tượng trong đời sống. Và để cho những câu văn trở nên sinh động, bài viết trở nên hấp dẫn, tác phẩm gây cảm xúc, ấn tượng, sự đồng cảm với người đọc không gì bằng việc đánh trúng tâm lý người đọc bằng chính trải nghiệm của bản thân. 


Sống và trải nghiệm càng nhiều càng giúp bạn có nhiều cảm xúc khi viết. Trải nghiệm sống cũng sẽ mang đến cho bạn nguồn ý tưởng vô tận cho các bài viết của mình. Vậy nên, hãy đi ra ngoài khám phá thế giới, tham gia vào các sự kiện bạn quan tâm, hãy thử một lần hết mình theo đuổi điều bạn thích. Hãy học cách quan sát, lắng nghe những câu chuyện xung quanh mình.

6. Đọc nhiều thể loại

Đọc cũng là một loại trải nghiệm và quan trọng như trải nghiệm. Đọc càng nhiều thì bạn sẽ càng khám phá ra được nhiều góc nhìn thú vị, nhiều thể loại viết, phong cách hành văn.

Đọc càng nhiều trí trưởng tưởng của bạn sẽ càng phong phú, ngôn ngữ của bạn càng linh hoạt và giúp cho những bài viết trở nên hấp dẫn hơn.

7. Thử sức với các thể loại khác nhau


Đừng tự giới hạn bản thân với chỉ một thể loại. Bạn hoàn toàn có thể thử viết những thể loại khác nhau để khám bản thân. Bạn có thể viết tốt content marketing - nội dung tiếp thị, nhưng cũng có thể viết cả thơ ca, truyện, tản văn.

Thậm chí trong mảng viết thương mại cũng sẽ có rất nhiều thể loại khác nhau như: Content facebook, các dạng bài Pr, bài chuẩn Seo, kịch bản video youtube, tiktok,.... Bạn nên thử tất cả để có thể nâng cao kỹ năng, tư duy viết của mình trên mọi nền tảng.

8. Có một không gian để tập trung viết

Thật khó để ý tưởng có thể liền mạch nếu môi trường xung quanh khiến bạn xao nhãng. Vì vậy, hãy tìm cho mình một không gian thoải mái nhất, đạt được độ tập trung cao nhất khi viết.


Một góc làm việc nhỏ xinh, một chiếc ghế ngồi thoải mái, không gian yên tĩnh hoặc có tiếng nhạc,... tùy theo sở thích của bạn hãy tìm một chỗ dành riêng cho bạn, để bạn được đắm mình trong những con chữ mà không phải lo lắng bất kỳ điều gì.

Bất kỳ công việc gì muốn thành thảo, giỏi nghề cũng cần sự kiên trì luyện tập. Vì vậy, quan trọng nhất trong việc nâng cao kỹ năng viết vẫn là việc kiên trì luyện viết mỗi ngày.

Nhật Chi – Viết để dẫn lối

Đăng nhận xét

0 Nhận xét